Những người yêu thiên văn Việt Nam có cơ hội ngắm mưa sao băng Delta Aquariids đạt cực điểm vào đêm 28 và rạng sáng 29/7. Hiện tượng thiên văn này có thể quan sát được ở mọi nơi trên thế giới.

Mưa sao băng Delta Aquariids diễn ra hàng năm từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 và có thể quan sát được ở mọi nơi trên thế giới. Theo đó, người yêu thiên văn ở Việt Nam cũng có cơ hội ngắm mưa sao băng Delta Aquariids đạt cực điểm vào đêm 28 và rạng sáng 29/7.

mua-sao-bang-Delta-Aquarids-VSGA

Để quan sát hiện tượng này, người đam mê thiên văn Việt Nam hãy chọn những địa điểm quan sát có góc nhìn rộng, ít ô nhiễm (bụi, ánh sáng). Khi ấy, mọi người có thể ngắm mưa sao băng Delta Aquariids mà không cần tới bất cứ dụng cụ thiên văn nào. Tốt nhất là nên tìm một địa điểm cách xa ánh đèn từ thành phố và đến đó trước khoảng 20 phút, ngước nhìn lên bầu trời để mắt thích nghi với bóng tối.

Mưa sao băng Delta Aquariids có nguồn gốc từ sao chổi 96 Machholz – một sao chổi chu kỳ ngắn khi nó bay đến gần Mặt Trời, lần đầu tiên được các nhà khoa học phát hiện vào ngày 12/5/1986, trên núi Loma Prieta ở California (Mỹ).

Delta Aquarids là trận mưa sao băng trung bình (không quá 20 vệt mỗi giờ). Thời điểm lý tưởng nhất để quan sát Delta Aquariids là khi nó đạt cực điểm vào đêm 28 và rạng sáng 29/7. Vùng trung tâm của trận mưa sao băng này nằm trong khu vực của chòm sao Aquarius (còn gọi là Bảo Bình).

mua-sao-bang-Delta-Aquarids-VSGA-1

Tại Việt Nam, người yêu thiên văn có thể quan sát rõ trận mưa sao băng Delta Aquariids ở bầu trời phía Nam vào khoảng 2h sáng ngày 29/7.

Lưu ý: tuyệt đối không nhìn vào các thiết bị di động khi đang quan sát, nó có thể ảnh hưởng xấu tới mắt bạn và tới kết quả của buổi quan sát.

Sau mưa sao băng Delta Aquariids là mưa sao băng Perseids

Nếu bỏ lỡ mưa sao băng Delta Aquariids, giới yêu thích thiên văn vẫn còn cơ hội ngắm trận mưa sao băng khác có tên Perseids, sẽ đạt cực đại vào đêm 12-8 rạng sáng 13-8.

Mưa sao băng Perseids được đánh giá là một trong hai đợt mưa sao băng lớn nhất năm. Vào thời điểm cực đại, người quan sát có thể thấy đến 80 vệt sao mỗi giờ.