Sứ mệnh JUICE (Jupiter Icy Moons Explorer) của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) sẽ được khởi động vào ngày 13/4, với mục tiêu hàng đầu là khám phá sao Mộc.
Nhiệm vụ thám hiểm sao Mộc (JUICE) với hành trình xấp xỉ 740 triệu km, kéo dài 8 năm, do ESA quản lý sẽ được khởi động vào 19:15 tối 13/4.
Trong sứ mệnh này, tên lửa Ariane 5 sẽ đưa các thiết bị quan sát khám phá 3 trong số 4 mặt trăng chính của sao Mộc, hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời. Do sự phức tạp của quỹ đạo chuyến bay, tên lửa Ariane 5 nhiều khả năng sẽ phải thực hiện toàn bộ quá trình cất cánh chỉ trong 1 giây. Đây cũng sẽ là chuyến bay cuối cùng của Ariane 5, sau hơn 30 năm phục vụ.
Tên lửa trong sứ mệnh JUICE dự kiến sẽ chạm tới quỹ đạo của sao Mộc vào tháng 7/2031, tức hơn 8 năm kể từ thời điểm hiện nay. Tại đây, hệ thống tiếp tục dành khoảng 3 năm rưỡi để di chuyển xung quanh hành tinh này, đồng thời khám phá 3 trong số 4 mặt trăng chính của sao Mộc, gồm: Europa, Ganymede và Callisto.
Trong đó, Ganymede và Callisto là 2 mục tiêu lớn nhất của sứ mệnh, vì đây được cho là nơi có khả năng tồn tại sự sống cao nhất.
Theo ESA, tàu JUICE sẽ hoạt động trong một môi trường khắc nghiệt với mức bức xạ cao, tạo thành bởi sự kết hợp giữa từ trường cực mạnh của sao Mộc và các hạt tích điện phát ra từ hành tinh và mặt trăng núi lửa gần nó. Do ảnh hưởng của bức xạ, những nhà thiết kế tàu vũ trụ đã phải giấu phần lớn các thiết bị điện tử quan trọng bên trong 2 hầm lót chì. Về cơ bản, nó giống như một boong-ke hạt nhân thu nhỏ, được đặt trên tàu.
Tuy nhiên, điều này vẫn không tránh khỏi việc các tấm pin mặt trời của tàu bị xuống cấp rất nhanh do mức độ phóng xạ cao.Để tránh tàu JUICE trở thành một mảnh rác không gian mất kiểm soát, ESA có kế hoạch sẽ hạ cánh tàu xuống bề mặt của mặt trăng Ganymede khi nó hoàn thành xong công việc của mình. Sở dĩ các nhà khoa học quan tâm nhiều đến mặt trăng của sao Mộc là bởi chúng dường như chứa đựng những đại dương nước lỏng khổng lồ ẩn dưới lớp vỏ băng dày hàng chục km.
Trong số những đại dương này, hoàn toàn có thể tồn tại một hoặc nhiều điều kiện thuận lợi cho các dạng sống cơ bản. Dẫu vậy, ngay cả khi JUICE chưa thể tìm thấy bằng chứng về sự sống trên các mặt trăng của sao Mộc, sứ mệnh này vẫn sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự tồn tại của môi trường thích hợp cho sự sống ở bên ngoài Trái đất.
Nếu sứ mệnh diễn ra thuận lợi, đây sẽ là cột mốc mới của nhân loại, với việc một tàu vũ trụ lần đầu tiên di chuyển xung quanh một mặt trăng không phải của Trái đất.
Sứ mệnh cũng sẽ mở đường cho một loạt các nhiệm vụ đổ bộ khả thi trong tương lai tới các thế giới ngập tràn đại dương của sao Mộc.
Một tàu thăm dò khác, Europa Clipper của NASA, dự kiến được phóng vào tháng 10/2024, sẽ đến sớm hơn, vào tháng 4/2030, nhờ thực hiện một lộ trình ngắn hơn, bay vòng qua Trái đất và Sao Hỏa. Như tên gọi, tàu thăm dò của Mỹ sẽ tập trung vào Europa và dự kiến thực hiện 50 lần tiếp cận gần mặt trăng này, quét vài trăm dặm trên bề mặt để phát hiện những khu vực có thể hỗ trợ sự sống.
Hai nhiệm vụ đang được điều hành bởi các cơ quan vũ trụ riêng biệt, nhưng NASA và ESA khẳng định sẽ có sự hợp tác chặt chẽ và đã thành lập một ủy ban để điều phối các nhiệm vụ chung mà hai tàu vũ trụ có thể thực hiện.