Ngày 27/11, tại Hà Nội, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu xử lý ảnh SAR. Công ty Công nghệ Sao Vega (Vegastar Technology) vinh dự là đơn vị được lựa chọn đồng hành triển khai tổ chức khóa đào tạo với hai hình thức trực tiếp và trực tuyến (online).
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) hiện đang triển khai thực hiện “Đào tạo chuyên sâu xử lý ảnh SAR” của Hệ thống Vệ tinh LOTUSat-1 thuộc Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Một trong các nội dung quan trọng là tiếp nhận chuyển giao công nghệ của khóa đào tạo chuyên sâu xử lý ảnh SAR. Nội dung này tập trung vào chuyển giao một số công nghệ tiên tiến liên quan đến công nghệ chụp ảnh sử dụng radar khẩu độ tổng hợp (SAR) và ứng dụng tài nguyên ảnh SAR. Đây là công nghệ cốt lõi được sử dụng trong vệ tinh LOTUSat-1, vệ tinh gắn liền với quá trình đào tạo của khóa đào tạo nhân lực nâng cao về ứng dụng. Nhiệm vụ này sẽ giúp tăng cường năng lực của học viên cũng như tận dụng tối đa nguồn tài nguyên có thể khai thác được từ vệ tinh LOTUSat-1.
Viện Vũ trụ và Địa không gian Vega (VSGA) và Công ty Công nghệ Sao Vega (Vegastar Technology) vinh dự là những đơn vị được lựa chọn đồng hành triển khai tổ chức khóa đào tạo với hai hình thức trực tiếp và trực tuyến (online).
Tham gia khóa đào tạo là các học viên đến từ các đơn vị Cục viễn thám quốc gia, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, trường Đại học FullBright, Viện Địa chất và Vật lý biển, cùng các Viện và Bộ ban ngành khác.
Mở đầu khóa đào tạo, là khóa “Lý thuyết về viễn thám RADAR” được giảng dạy bởi Tiến sĩ Trần Vân Anh – ngành Khoa học Trái đất (Trường Đại học tổng hợp TP Osaka, Nhật Bản), Giảng viên bộ môn Đo ảnh và Viễn thám, trường ĐH Mỏ – Địa chất. Nối tiếp là các khóa đào tạo:
– Module 2: “Ứng dụng ảnh SAR trên thế giới” được giảng dạy bởi Tiến sĩ Trần Quốc Cường – Giám đốc Trung tâm Viễn thám & Geomatic (VTGEO), Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam (VAST);
– Module 3: “Đặc điểm ảnh LOTUSat-1 và xử lý ảnh” được giảng dạy bởi Chuyên viên cao cấp của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam;
– Module 4: ”Ứng dụng ảnh SAR trong theo dõi rừng ở Việt Nam” được giảng dạy bởi Tiến sĩ khoa học Hồ Tống Minh Định – Chuyên gia cao cấp về kỹ thuật InSAR, Giảng viên khóa huấn luyện về InSAR của IGRASS 2020, 2021;
– Module 5: “Ứng dụng ảnh SAR trong theo dõi lúa ở Việt Nam” được giảng dạy bởi Chuyên gia cao cấp;
– Module 6: “Ứng dụng ảnh SAR trong phòng chống thiên tai ở Việt Nam” và Module 7: “Ứng dụng ảnh SAR trong theo dõi mục tiêu nhân tạo ở Việt Nam” được giảng dạy bởi PGS, TS Phạm Văn Cự – Khoa Địa Lý, Đại học UQAM (L’Université du Québec à Montréal – Canada).
Khóa đào tạo sẽ góp phần thúc đẩy việc khai thác sử dụng ảnh SAR hiện vẫn còn hạn chế ở Việt Nam, mở ra tiềm năng khai thác những thông tin từ cơ chế tạo ảnh chủ động theo đúng bản chất vật lý, cải thiện tần suất thu ảnh vào ban đêm cũng như trong mọi điều kiện thời tiết để bổ sung, hỗ trợ thêm cho việc khai thác thông tin mà ảnh viễn thám quang học còn hạn chế.
Một số hình ảnh của khóa học đầu tiên: