NASA lên kế hoạch phát triển một con tàu có thể kéo Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) khỏi quỹ đạo và tự hủy khi bay qua khí quyển Trái Đất.

Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS hay còn được gọi là Trạm Không gian Quốc tế (International Space Station). ISS được biết đến là một công trình mang tính quốc tế với sự hợp tác của 5 cơ quan chuyên nghiên cứu về không gian vũ trụ trên thế giới, bao gồm NASA (Mỹ), RKA (Nga), JAXA (Nhật Bản) và ESA của 10 trong 17 nước thành viên từ châu Âu. Mục đích xây dựng Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS chính là phục vụ cho việc nghiên cứu về không gian ở trên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất.

tram-vu-tru-quoc-te-ISS-ISGA

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố một số chi tiết trong kế hoạch đưa Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) rời khỏi quỹ đạo. Hiện nay, ISS đang quay quanh Trái Đất và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đến cuối thập kỷ này. Sau đó, vào năm 2030, NASA sẽ đưa ISS trở về Trái Đất, rơi xuống Thái Bình Dương và ở lại dưới đáy biển.

Đây là một kế hoạch đặc biệt mà NASA đang xây dựng vài tháng nay. Ban đầu, họ dự định dùng một tàu vũ trụ của Nga để hỗ trợ ISS trở về Trái Đất, nhưng hiện nay cơ quan này chuyển sang hướng tiếp cận khác và cho biết họ sẽ dùng một con tàu mà họ gọi là kế hoạch “lực kéo vũ trụ” là chính để đưa ISS rời khỏi quỹ đạo.

Trong buổi họp báo hôm 13/3, NASA dự kiến chi 180 triệu USD để chế tạo một tàu kéo vũ trụ có thể giúp trạm vũ trụ quốc tế ISS thoát khỏi quỹ đạo an toàn và rơi xuống đại dương sau khi kết thúc thời gian vận hành vào năm 2030, cũng như tiến hành nhiều hoạt động khác.

tram-vu-tru-quoc-te-ISS-ISGA

Để làm được điều “không tưởng này”, NASA sẽ cần có sự phối hợp của các hãng tư nhân có chuyên môn về khoa học vũ trụ như Axiom Space và cả SpaceX.

Thay vì phụ thuộc vào hệ thống của Nga, tàu vũ trụ do NASA sản xuất sẽ cho phép Mỹ chủ động hơn trong quá trình đưa trạm ISS trở lại Trái Đất, đặc biệt khi hai phương tiện Nga đang ghép nối với trạm liên tiếp gặp sự cố rò rỉ chất làm mát. Tàu chở phi hành gia Soyuz mất tất cả chất làm mát vào ngày 14/12/2022 và tàu Progress cũng gặp vấn đề tương tự vào ngày 11/2/2023. Theo Nga, nhiều khả năng rò rỉ trên tàu Soyuz do va chạm với vi thiên thạch gây ra, còn sự cố ở tàu Progress là do “ảnh hưởng bên ngoài”, có thể xảy ra trong quá trình phóng.

Ngoài ra, Nga cũng tuyên bố rút khỏi trạm vũ trụ quốc tế ISS sớm (sau năm 2024) để xây dựng trạm vũ trụ riêng ở quỹ đạo thấp của Trái Đất. Thông tin này nhiều khả năng thúc đẩy NASA phát triển tàu vũ trụ mới.

Cũng trong buổi họp báo, NASA cho biết kinh phí năm sau cho chương trình Artemis là 8,1 tỷ USD. Nguồn ngân sách sẽ giúp NASA đạt hai cột mốc quan trọng trong tương lai gần là phóng tàu Artemis 2 và Artemis 3 lần lượt vào tháng 11/2024 và tháng 12/2025. Nhiệm vụ Artemis 2 sẽ đưa phi hành gia bay vòng quanh Mặt Trăng và Artemis 3 sẽ hạ cánh gần cực nam Mặt Trăng trong nhiệm vụ chở người đầu tiên từ thời Apollo 17 vào tháng 12/1972. Tuy nhiên, nhiệm vụ Artemis 4 sẽ lùi sang năm 2028 với mục tiêu lắp ráp trạm vũ trụ Gateway của NASA trên quỹ đạo Mặt Trăng, nếu tất cả theo đúng kế hoạch.

Nguồn: NASA