Những năm gần đây ở nước ta, các loại hình thiên tai xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng, có những biến động bất ngờ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực đồi núi. Trong khi đó, nhân lực và trang thiết bị tại các tỉnh vùng núi của Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác phòng chống thiên tai. 

Do đó, cần ứng dụng công nghệ khoa học tiên tiến, công nghệ viễn thám, GIS cảnh báo trượt lở, lập bản đồ, phân vùng khu vực có nguy cơ sạt lở đất. Từ đó đưa ra cảnh báo kịp thời, hạn chế thiệt hại về người và của cải.

Hiện tượng trượt lở đất là gì?

Trượt lở đất là một trong những tai biến địa chất nguy hiểm nhất tại các khu vực vùng núi, đe dọa trực tiếp tới tính mạng và tài sản của con người. Nó là sự dịch chuyển khối lượng lớn vật chất như đất, đá hoặc mảnh vụn xuống một độ dốc. Khi trọng lực tác động lên một sườn dốc vượt quá lực cản của nó, sườn dốc sẽ bị trượt và gây ra sạt lở. Hiện tượng này có thể xảy ra bất ngờ hoặc từ từ trong thời gian dài.

Trượt lở đất thường không có quy mô lớn như động đất, núi lửa, bão mà diễn ra đơn lẻ tại các vùng đồi núi có kết cấu đất yếu, gây khó khăn trong công tác dự báo và phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại.

ung dung gis canh bao nguy co sat lo dat

Nguyên nhân gây trượt lở đất? 

Nguyên nhân gây sạt lở đất có thể do cấu trúc địa chất. Đây được xem là nhân tố cơ bản gây ra quá trình trượt lở đất. Đá có độ bền thấp nên dễ có xu hướng phong hóa thành các vật liệu kém bền, đất đá có chứa sét rất nhạy cảm với trượt lở, chúng có xu thế yếu đi khi độ ẩm tăng lên. Trong khi đó nhóm trầm tích bở rời và nhóm macma phun trào có khả năng phong hóa mạnh, tạo nên lớp phủ thổ nhưỡng dày nên dễ gây trượt lở. 

Mưa cũng là một trong những nhân tố chính góp phần gây ra trượt lở đất. Mưa càng dài ngày và lượng mưa càng lớn thì dòng chảy mặt phát triển càng mạnh làm gia tăng hiện tượng sạt lở đồi núi, bờ sông. Bên cạnh đó, nước mưa cũng làm tăng tải trọng các khối đất đá trên các sườn dốc và làm giảm liên kết giữa chúng gây nên trượt lở đất.

Các sườn dốc bị mất thảm thực vật có nguy cơ trượt lở cao hơn. Cùng một lượng mưa và cường độ mưa nếu khu vực nào có thảm thực vật được bảo vệ tốt thì nguy cơ xảy ra các loại thiên tai ít và ngược lại.

Ngoài ra, giao thông ở khu vực miền núi được xây dựng trên những địa hình gồ ghề, thông thường dọc theo các thung lũng sông nên phải cắt qua các sườn dốc. Điều này làm cho khu vực sườn phía trên mất sự ổn định vốn có nên dễ phát sinh trượt lở đất, đặc biệt là những sườn có độ dốc lớn.

Cuối cùng, hoạt động của con người như nông nghiệp và xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân gây sạt lở đất.

ung dung gis canh bao som nguy co sat lo dat

Trượt lở đất gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế nào?

Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai, trong đó nhấn mạnh: Đối với các khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ: Xác định khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình, tổ chức thông tin cảnh báo, dự báo, điều chỉnh sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại về người, đảm bảo sinh kế bền vững phù hợp với tập quán từng khu vực.

Những năm gần đây, nhiều trận lũ quét, sạt lở đất bất ngờ đổ ập xuống, cuốn trôi nhà cửa và tính mạng người dân, đặc biệt ở khu vực các tỉnh miền núi nước ta.  Ở nước ta, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai, trong đó, điển hình có 1.057 trận thiên tai. Mưa lớn kéo dài ở miền Bắc đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp (tháng 4,5,6).

Tổng hợp của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho thấy, từ đầu năm 2022 đến tháng 4/2023, Việt Nam xảy ra 286 trận động đất; 310 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất, 191 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, 2 đợt rét đậm, rét hại, 14 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển và 2 đợt nắng nóng, hạn hán,… Từ đầu năm 2023 đến nay, tiếp tục xảy ra hàng chục trận mưa lớn, dông lốc, sạt lở bờ sông, động đất,… khiến 7 người mất tích; thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng. 

Phát huy vai trò của Công nghệ viễn thám – GIS cảnh báo trượt lở 

Trong những năm gần đây, sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ quan sát trái đất, bao gồm hệ thống vệ tinh, công nghệ viễn thám, GIS đã cung cấp nguồn dữ liệu đa dạng và chi tiết, hỗ trợ đắc lực cho việc nghiên cứu và dự báo các khu vực có nguy cơ trượt lở đất.

Đặc biệt, ứng dụng GIS cảnh báo trượt lở, lập bản đồ phân vùng dự báo, phân tích nguy cơ, quản lý trượt lở rất hiệu quả, từ đó giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất gây ra. Để xử lý khối lượng thông tin và dữ liệu lớn, cần sử dụng các phương pháp tiên tiến nhằm tối ưu hóa dung lượng lưu trữ, rút ngắn thời gian xử lý và đảm bảo tính khách quan, chính xác trong đánh giá. 

Để công nghệ viễn thám và GIS cảnh báo trượt lở, phòng chống thiên tai hiệu quả hơn, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp. 

  • Xây dựng chiến lược toàn diện nhằm mở rộng ứng dụng công nghệ vũ trụ, viễn thám và hệ thống thông tin địa lý ở mọi cấp độ, từ địa phương đến toàn cầu. 
  • Phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực quốc gia qua từng giai đoạn là yếu tố then chốt. Điều này bao gồm việc thiết lập các cơ chế kết nối mạng và nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các hội thảo, đào tạo chuyên môn trong và ngoài nước. 
  • Thực hiện các dự án nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nghiên cứu liên ngành trong khu vực. Tham gia tích cực vào hợp tác quốc tế với các quốc gia châu Á và các đối tác toàn cầu sẽ giúp tăng cường khả năng phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. 
  • Tích hợp giữa khoa học không gian, viễn thám và GIS để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. 

Trong bối cảnh quốc tế, Việt Nam cần tập trung vào nghiên cứu, làm chủ công nghệ, quy trình sử dụng ảnh vệ tinh để thành lập, cập nhật bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình và GIS, qua đó hỗ trợ giải quyết các vấn đề phân tích và chiết xuất thông tin phục vụ công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Vai trò của công nghệ viễn thám và ứng dụng GIS cảnh báo trượt lở đất

Hiện nay, có nhiều phương pháp được nghiên cứu phục vụ đánh giá, phòng chống nguy cơ trượt lở đất, trong đó giải pháp sử dụng dữ liệu viễn thám kết hợp công nghệ GIS cảnh báo trượt lở đã mang lại những hiệu quả đáng kể từ việc lập kế hoạch, đưa ra cảnh báo đến hoạch định chính sách, đánh giá, và dự báo tác động đến tài nguyên.

Bên cạnh đó, công nghệ viễn thám và ứng dụng GIS có vai trò quan trọng trong việc xây dựng bản đồ xói mòn đất, đánh giá độ suy thoái của đất. Ngoài ra, GIS cũng được sử dụng để đánh giá thích nghi đất đai của cây lương thực, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.

ung dung gis trong canh bao truot lo dat

*Nguồn ảnh: https://www.scirp.org 

Hiện nay, nhiều địa phương đã ứng dụng GIS cảnh báo trượt lở đất có vai trò quan trọng trong việc giảm thiệt hại thiên tai cũng như có kế hoạch canh tác phù hợp ví dụ như tỉnh Quảng Ngãi, Hòa Bình, các tỉnh Tây Nguyên, hay khu vực đồng bằng sông Cửu Long ứng dụng GIS cảnh báo trượt lở bờ sông.

Với những ưu điểm nổi bật mà GIS cảnh báo trượt lở mang lại cho công tác phòng chống thiên tai, GIS sẽ còn được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi hơn nữa trong các hoạt động phòng tránh thiên tai, thảm họa thiên nhiên.