Công nghệ GIS và viễn thám thăm dò dầu khí đóng một vai trò quan trọng, xác định chính xác các mỏ dầu khí tiềm năng, đánh giá rủi ro thăm dò và giám sát tác động môi trường của các hoạt động khai thác.

Khi nhu cầu năng lượng của thế giới tiếp tục tăng, hiệu quả và độ chính xác của việc thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí ngày càng trở nên quan trọng. Sự phát triển của công nghệ GIS và viễn thám đã mang lại sự tiện lợi và cơ hội chưa từng có trong thăm dò và khai thác dầu khí. 

Tiềm năng dầu khí Việt Nam

Dầu khí chiếm phần lớn mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Việt Nam có tiềm năng dầu khí đáng kể, đặc biệt tập trung ở thềm lục địa và khu vực Biển Đông. Theo số liệu từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và một số nghiên cứu quốc tế, Việt Nam hiện sở hữu các mỏ dầu khí lớn tại các bể trầm tích như Nam Côn Sơn, Cửu Long, Sông Hồng, Mã Lai – Thổ Chu và Phú Khánh.

Việt Nam có trữ lượng dầu thô tiềm năng khoảng 4,4 tỷ thùng, tập trung chủ yếu tại bể Cửu Long và Nam Côn Sơn. Tổng trữ lượng khí tự nhiên ước tính đạt khoảng 700 tỷ mét khối, chủ yếu tại bể Nam Côn Sơn và Mã Lai – Thổ Chu.

Khi nhu cầu năng lượng tăng cao dẫn đến hoạt động thăm dò và khai thác dầu mỏ trở nên đặc biệt quan trọng. Đồng thời, tác động môi trường do khai thác dầu khí đã trở thành vấn đề không thể bỏ qua. Ví dụ, tác động đến bề mặt/nước ngầm và thảm thực vật trong khu vực. 

Để hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí diễn ra chính xác và hiệu quả, việc ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trở thành lựa chọn tối ưu. Với khả năng cung cấp dữ liệu địa chất chính xác từ xa, viễn thám giúp đánh giá tiềm năng dầu khí, xác định các vị trí khai thác và theo dõi tác động môi trường.

tiem nang dau khi viet nam

Vai trò của Gis và viễn thám thăm dò dầu khí

Công nghệ GIS và viễn thám hiện đã cho thấy tiềm năng to lớn trong lĩnh vực thăm dò dầu khí. GIS có khả năng tích hợp, xử lý và phân tích nhiều loại dữ liệu không gian và phi không gian. GIS có thể được sử dụng để tối ưu hóa các chiến lược thăm dò, xác định chính xác các mỏ dầu khí tiềm năng, đánh giá rủi ro thăm dò và giám sát tác động môi trường của hoạt động khai thác.

GIS hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động thăm dò dầu khí và giúp ngành công nghiệp khám phá các mỏ dầu khí mới với chi phí thấp hơn và tỷ lệ thành công cao hơn.

Trong khi đó, dữ liệu viễn thám có độ phân giải cao cung cấp góc nhìn rõ nét về cấu trúc địa chất và các đặc điểm bề mặt, tăng độ chính xác khi phát hiện và khai thác mỏ dầu. GIS và RS cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Viễn thám có khả năng giám sát và đánh giá hiệu quả các tác động của hoạt động khai thác dầu khí đối với tài nguyên nước ngầm, tài nguyên nước mặt và thảm thực vật, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ viễn thám thăm dò dầu khí cũng đã có những tiến bộ đáng kể. Việc sử dụng các loại nguồn dữ liệu mới như LiDAR (radar laser), hình ảnh viễn thám độ phân giải cao, cũng như máy bay không người lái và công nghệ viễn thám vệ tinh đã làm phong phú đáng kể loại và chất lượng dữ liệu cần thiết cho hoạt động thăm dò dầu khí, đồng thời bảo vệ hơn nữa tính mạng của nhân viên thăm dò tại hiện trường. 

ung dung vien tham tham do dau khi

Các công nghệ viễn thám ứng dụng trong thăm dò dầu khí

Công nghệ LiDAR 

Kỹ thuật viễn thám LiDAR thu thông tin khoảng cách chính xác về một vật thể hoặc bề mặt mục tiêu bằng cách truyền các xung laser, đo chênh lệch thời gian khi các xung truyền đi và phản xạ trở lại từ mặt đất. Công nghệ này có khả năng tạo ra các bản đồ địa hình ba chiều có độ phân giải và độ chính xác cao về dữ liệu đặc điểm bề mặt. LiDAR thường được lắp trên máy bay có khả năng bao phủ một khu vực đủ rộng để nhanh chóng thu thập dữ liệu không gian từ bề mặt trái đất. 

Trong lĩnh vực thăm dò dầu mỏ, LiDAR có thể giúp các nhà địa chất xác định và phân tích đường đứt gãy, hướng dòng chảy của sông và các đặc điểm bề mặt khác là những yếu tố chính trong việc đánh giá vị trí của các mỏ dầu khí tiềm năng. Thông qua phân tích chuyên sâu dữ liệu LiDAR, các nhóm thăm dò dầu mỏ có thể xác định vị trí khoan chính xác hơn và tối ưu hóa các chiến lược thăm dò, do đó tăng tỷ lệ thành công của hoạt động thăm dò và giảm nguy cơ thương tích người lao động.

Một ví dụ là việc thăm dò các mỏ dầu khí ẩn dưới địa hình phức tạp, chẳng hạn như các khu vực có rừng rậm rạp. Khi đó, các phương pháp thăm dò mặt đất truyền thống không chỉ tốn thời gian và công sức mà còn bị hạn chế bởi địa hình, khiến việc thu thập dữ liệu bề mặt có độ chính xác cao trở nên khó khăn.

Công nghệ LiDAR, bằng cách quét bề mặt với độ chính xác cao từ trên không, nhanh chóng thu thập thông tin về địa hình, thảm thực vật và các đặc điểm bề mặt khác và hoạt động hiệu quả ngay cả ở những khu vực có thảm thực vật rậm rạp hoặc địa hình phức tạp. 

Ngoài ra, bản chất ba chiều và độ phân giải cao của dữ liệu LiDAR cho phép các nhóm thăm dò tạo ra các mô hình bề mặt và dưới bề mặt một cách chi tiết. Các mô hình này đánh giá chính xác các vị trí mỏ dầu khí tiềm năng và hướng dẫn lựa chọn vị trí khoan, cải thiện đáng kể hiệu quả và kinh tế của hoạt động thăm dò dầu khí.

cong nghe lidar danh gia mo dau khi

Công nghệ Radar SAR

Radar khẩu độ tổng hợp (SAR) kết hợp băng tần L và băng tần P đóng vai trò quan trọng trong việc thăm dò mỏ dầu khí cũng như giám sát môi trường cung cấp thông tin dưới bề mặt bằng cách thâm nhập vào thảm thực vật và địa chất bề mặt. 

Radar khẩu độ tổng hợp (SAR) đóng vai trò quan trọng trong việc thăm dò dầu khí ở cả các khu vực biển và đất liền nhờ khả năng hoạt động xuyên qua mây, trong mọi điều kiện thời tiết. Điều này giúp SAR ghi nhận dữ liệu trong các tình huống mà các phương pháp quang học bị hạn chế do ảnh hưởng của thời tiết.

Sóng radar không phụ thuộc vào ánh sáng mặt trời, vì vậy SAR có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm. Điều này đặc biệt hữu ích ở các khu vực biển sâu và đất liền xa xôi, nơi dữ liệu quang học có thể không thể thu thập liên tục.

Sóng radar phản hồi từ bề mặt chứa thông tin về độ nhám, từ đó giúp nhận diện các vùng có trầm tích hoặc thành phần địa chất khác biệt, hỗ trợ việc xác định nơi có tiềm năng chứa dầu khí.

Ngoài ra, công nghệ Interferometric SAR (InSAR) sử dụng các ảnh radar liên tiếp để phát hiện các dịch chuyển nhỏ của bề mặt đất hỗ trợ theo dõi hoạt động địa chất liên quan đến quá trình khai thác dầu khí, như sự lún đất hoặc dịch chuyển của các lớp địa chất, nhằm đánh giá an toàn và ổn định khu vực khai thác.

InSAR còn có thể cung cấp dữ liệu về sự biến đổi áp suất trong các giếng khoan, từ đó hỗ trợ dự đoán các thay đổi trong quá trình khai thác dầu khí, giúp cải thiện an toàn và hiệu quả.

SAR phat hien vet dau loang

Một số ứng dụng của viễn thám thăm dò dầu khí và khai thác

Xác định vị trí vết dầu loang

Vùng biển có vết dầu loang thường tạo ra tín hiệu radar khác biệt do dầu làm giảm độ nhám bề mặt của mặt nước. SAR có thể phát hiện các vệt dầu nhỏ và theo dõi sự lan rộng của dầu loang trong thời gian thực, điều này đặc biệt quan trọng để kịp thời ứng phó các tình huống khẩn cấp.

Phát hiện rò rỉ hydrocarbon 

Ứng dụng viễn thám có thể phát hiện rò rỉ dầu trong quá trình vận chuyển qua đường ống hoặc lưu trữ tại các nhà máy lọc dầu. Từ đó đưa ra cảnh bảo và có giải pháp giảm thiểu tác động tàn phá đối với môi trường, động vật hoang dã và sức khỏe con người. Phát hiện hydrocarbon và các mỏ bị ô nhiễm bằng viễn thám ngày càng trở nên phổ biến với kỹ thuật viễn thám siêu quang phổ.

Đánh giá mức độ rò rỉ

Thách thức lớn nhất trong phát hiện rò rỉ dầu khí là đánh giá mức độ và vị trí chính xác của rò rỉ. Cả rò rỉ dầu và khí đều có hại cho môi trường. Rất khó để phát hiện rò rỉ khí đốt tự nhiên vì nó không có màu hoặc mùi. Dữ liệu radar khẩu độ tổng hợp (SAR) kết hợp với dữ liệu địa vật lý bất thường từ dữ liệu từ trường trên không giúp đánh giá mức độ rò rỉ hydrocarbon.

Phân tích đặc điểm địa chất và xác định khu vực tiềm năng

Viễn thám giúp thu thập dữ liệu quan trọng về cấu trúc địa chất và điều kiện địa lý của một khu vực rộng lớn, hỗ trợ các nhà địa chất xác định các đặc điểm địa tầng, đứt gãy, và nếp gấp. Những thông tin này đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các khu vực có tiềm năng chứa dầu khí.

Đánh giá rủi ro môi trường và bảo vệ tài nguyên

Viễn thám cho phép các nhà thăm dò phân tích và dự đoán các yếu tố môi trường, như sự thay đổi về địa hình, địa chất và lớp phủ bề mặt, để giảm thiểu rủi ro và tác động xấu đến môi trường. Công nghệ này giúp các nhà quản lý ra quyết định phù hợp trong việc chọn lựa địa điểm và cách thức khai thác.

Ước tính trữ lượng sau khi khoan

Sau khi tiến hành khoan thăm dò, công nghệ Interferometric Synthetic Aperture Radar (InSAR) được sử dụng để đo đạc các thay đổi vi mô của bề mặt đất, giúp đánh giá áp suất và tính ổn định của giếng khoan. Việc giám sát này cho phép dự báo tiềm năng khai thác và xác định trữ lượng dầu khí còn lại. 

Kết hợp dữ liệu viễn thám với các thông số kỹ thuật từ giếng khoan cho phép ước tính lưu lượng và khả năng khai thác của mỏ dầu. Các dữ liệu này giúp tối ưu hóa quá trình khai thác và duy trì áp suất, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế của giếng.

Viễn thám trong lập bản đồ dầu khí

Dữ liệu radar, đặc biệt là từ SAR, hỗ trợ lập bản đồ chi tiết về các cấu trúc địa chất và lớp trầm tích, xác định các khu vực có tiềm năng chứa dầu khí. Dữ liệu viễn thám cung cấp các thông tin chi tiết về độ cao, độ nhám, và đặc điểm địa hình của khu vực mục tiêu.

Các ứng dụng của viễn thám trong thăm dò và khai thác dầu khí không chỉ giúp tăng cường khả năng phát hiện và đánh giá tài nguyên mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa quá trình khai thác và bảo vệ môi trường. Việc sử dụng các công nghệ như SAR, InSAR, và phân tích đa phổ giúp đảm bảo quá trình khai thác dầu khí diễn ra hiệu quả, an toàn và bền vững.