Vệ tinh ERBS, nặng khoảng 2.450 kg dự kiến sẽ rơi xuống Trái Đất vào 16h40 ngày 9/1 (giờ Việt Nam), sau gần 40 năm hoạt động ngoài không gian.
Theo NASA dự kiến, vệ tinh Earth Radiation Budget Satellite (ERBS) sẽ rơi vào bầu khí quyển Trái Đất vào khoảng 16h40 phút, ngày 8/1 (giờ EST) tức 16h40 ngày 9/1 giờ Việt Nam.
Tàu vũ trụ ERBS được phóng từ tàu con thoi Challenger vào ngày 5-10-1984. Con tàu này là một phần “Sứ mệnh nghiên cứu bức xạ đối với Trái đất” (ERBE) của NASA.
Vệ tinh ERBS mang theo ba thiết bị. Hai thiết bị để đo năng lượng bức xạ của Trái đất. Một thiết bị để đo các thành phần tầng bình lưu, bao gồm cả ozone.
Trong 21 năm hoạt động, ERBS đã điều tra cách Trái đất hấp thụ bức xạ năng lượng Mặt trời. Đồng thời thực hiện các phép đo tầng ozone, hơi nước, khí N2O và sol khí ở tầng bình lưu.
Sự cân bằng năng lượng bức xạ từ Mặt trời mà Trái đất hấp thụ là một chỉ số quan trọng về tình trạng khí hậu. Hiểu biết về chỉ số này cũng có thể giúp các nhà khoa học dự đoán các kiểu thời tiết.
ERBS đã vượt xa tuổi thọ dự kiến. Vệ tinh này ngừng hoạt động vào năm 2005. Kể từ thời điểm đó, ERBS trở thành một đống rác trôi nổi trong không gian và dần dần di chuyển đến gần Trái Đất.
Vệ tinh rơi có gây nguy hiểm?
Các quan chức NASA cho biết: “Hầu hết các vệ tinh sẽ bốc cháy khi nó đi vào bầu khí quyển của Trái Đất, song một số thành phần của nó có thể “sống sót” lọt qua và rơi xuống đất, tuy nhiên nguy cơ gây hại của vệ tinh với con người là rất thấp“.
Trước đó, vào năm 2022, hai lõi tên lửa Long March 5B, nặng khoảng 23 tấn của Trung Quốc sau khi đưa mô-đun mới ra ngoài không gian để lắp ráp vào Trạm vũ trụ Quảng Đông đã rơi xuống Trái Đất mà không được kiểm soát. Tên lửa đầu tiên rơi vào ngày 7/11 và chiếc thứ hai xảy ra 4 ngày sau đó.
Sự kiện tên lửa Long March 5b rơi mất kiểm soát xuống Trái Đất đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ các nhà khoa học vũ trụ trên thế giới.
Song ERBS lại là một trường hợp khác, nó đã ở ngoài không gian gần 4 thập kỷ. Tuy nhiên, việc vệ tinh này rơi trở lại cho thấy rằng, quỹ đạo Trái Đất có rất nhiều rác vũ trụ, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa cao cho chúng ta khi ngày càng nhiều vệ tinh được đưa vào không gian.
Hầu hết hiện nay, các tên lửa sẽ bị phá hủy sau khi hoàn thành nhiệm vụ, do chúng thường được thiết kế nhiều tầng đẩy và được tách dần ra trong quá trình phóng.
Điều này gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các cơ quan vũ trụ. Một số ít tên lửa đắt đỏ của Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian – SpaceX hay NASA là có thể tái sử dụng.
Những tên lửa này sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa tàu vũ trụ hay các thiết bị công nghệ vào không gian, nó sẽ được kích hoạt để quay trở lại và hạ cánh an toàn xuống bãi phóng trên Trái Đất, tất cả quá trình này hoàn toàn tự động, được các kỹ sư lập trình trước.
Nguồn: Space