Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra 6 vật thể xoay quanh siêu hố đen Sagittarius A* ở trung tâm Dải Ngân hà, với bề ngoài và các đặc điểm độc đáo không giống bất kỳ khám phá nào trước đây.

Giới học giả vũ trụ đã đặt cho 6 “vị khách” kỳ lạ này một cái tên rất thú vị: G.

Hai vật thể đầu tiên gồm G1 và G2, đã lần đầu tiên xuất hiện trong tầm ngắm của các nhà nghiên cứu khoảng hai thập kỷ trước. Bộ đôi này có quỹ đạo và tính chất khá kỳ lạ. Theo nghiên cứu, G1 và G2 có thể là những đám mây khí lớn, với độ rộng khoảng 100 đơn vị thiên văn (một đơn vị thiên văn tương đương với khoảng cách từ Mặt trời đến Trái đất). Những cụm khí này mở rộng đến gần miệng của hố đen.

6-vat-the-G-trung-tam-Dai-ngan-ha-VSGA

Mô phỏng về các vật thể G xung quanh siêu hố đen.

Tuy nhiên, G1 và G2 lại hoạt động không giống như các cụm khí, mà lại tỏa sáng như những ngôi sao, theo giáo sư vật lý và thiên văn học Andrea Ghez từ Đại học California tại Los Angeles (UCLA) đã giải thích vào năm 2020.

Giáo sư Ghez cùng đồng nghiệp đã dành hơn 20 năm để nghiên cứu trung tâm Dải Ngân hà. Từ những dữ liệu thu thập được, nhóm các nhà thiên văn học do chuyên gia Anna Ciurlo từ UCLA dẫn đầu đã khám phá thêm 4 vật thể tương tự, gọi là G3, G4, G5 và G6.

Nhóm 4 vật thể vừa được xác định đang di chuyển trên quỹ đạo khác với G1 và G2. Cùng nhau, các vật thể G có quỹ đạo kéo dài từ 170 đến 1.600 năm, theo báo cáo trên chuyên san Nature.

Đến nay, vẫn chưa rõ chúng là gì, và tại sao có thể tồn tại ở vùng phụ cận của siêu hố đen Sagittarius A*  mà không bị “con quái vật” này nuốt chửng. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng, những khám phá này sẽ mở ra những trang mới cho lịch sử nghiên cứu vũ trụ.

Nguồn: Science Alert.