Mặt trăng sẽ đi vào vùng bóng tối ngoài của Trái đất ngày 5/5, tạo ra nguyệt thực nửa tối, khiến Mặt trăng trông mờ hơn nhưng không biến mất.
Nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu lúc 22h15 ngày 5/5 (giờ Hà Nội) và có thể quan sát từ bất cứ nơi nào mà Mặt trăng ở phía trên đường chân trời, bao gồm châu Nam Cực, châu Á, Nga, Châu Đại Dương, Đông và Trung Phi. Sự kiện sẽ đạt cực đại lúc 0h24 ngày 6/5 và kết thúc lúc 2h32 cùng ngày, khi Mặt trăng ra khỏi bóng của Trái đất.
Bản đồ cho thấy những khu vực có thể quan sát nguyệt thực ngày 5/5. (Ảnh: Dominic Ford/In-The-Sky.org).
Giống như mọi loại nguyệt thực, nguyệt thực nửa tối xảy ra do Trái đất đi qua giữa Mặt trăng và Mặt trời. Điều này khiến Trái đất chặn ánh sáng từ Mặt trời và đổ bóng lên Mặt trăng.
Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt trăng đi vào vùng bên ngoài sáng hơn của bóng Trái đất, gọi là vùng nửa tối (penumbra). Đây là khu vực mà Trái đất trông như che khuất một phần đĩa Mặt trời, không phải toàn bộ. Khi ở trong vùng nửa tối, Mặt trăng nhận được ít ánh sáng hơn từ Mặt trời. Với những người quan sát từ Trái đất, Mặt trăng trông tối đi nhưng không biến mất hoàn toàn.
Hiệu ứng này có thể khó nhận thấy và đôi khi chỉ phát hiện được trong những bức ảnh chi tiết hoặc bởi những người có thị lực cực kỳ nhạy bén. Tuy nhiên, đôi khi có những sự kiện mà toàn bộ Mặt trăng di chuyển vào vùng nửa tối. Những lần nguyệt thực hiếm hoi này gây tối nhiều hơn và có thể nhìn thấy bằng mắt thường dễ dàng hơn. Sự kiện như vậy được gọi là nguyệt thực nửa tối toàn phần và rất hiếm gặp, vì một khi Mặt trăng đi vào vùng nửa tối hoàn toàn, nhiều khả năng ít nhất một phần Mặt trăng sẽ chạm tới vùng bóng tối (umbra) – phần bên trong tối hơn của bóng Trái đất. Điều này tạo ra nguyệt thực một phần thay vì nguyệt thực nửa tối.
Nguồn: Space