Nhật thực một phần là một trong nhiều sự kiện thiên văn kỳ thú xuất hiện trong tháng 10 năm nay.
Mưa sao băng Draconids
Sự kiện thiên văn đầu tiên của tháng 10 là mưa sao băng Draconids. Đây là trận mưa sao băng loại nhỏ, với tần suất khoảng 10 vệt sao băng/giờ.
Mưa sao băng Draconids được phát hiện lần đầu vào năm 1900. Nó được sinh ra bởi những hạt bụi của sao chổi 21P Giacobini Zinner. Khác với các trận mưa sao băng khác, thời điểm xuất hiện mưa sao băng Draconids thường vào chập tối thay vì lúc rạng sáng.
Năm nay, mưa sao băng Draconids sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến ngày 10 với điểm cực đại vào đêm ngày 7/10/2022.
Mưa sao băng Orionids
Đến giữa tháng này, người yêu thích thiên văn sẽ có thể chứng kiến một đợt mưa sao băng khác lớn hơn. Tên gọi của đợt mưa sao băng này là Orionids. Đây là trận mưa sao băng loại trung bình với tần suất khoảng 20 vệt sao băng mỗi giờ.
Mưa sao băng Orionids được tạo thành bởi những hạt bụi sót lại của sao chổi Halley. Đây là đợt mưa sao băng được biết đến từ thời cổ xưa, với khoảng thời gian xuất hiện từ đầu tháng 10 cho đến đầu tháng 11.
Cực điểm của mưa sao băng Orionids sẽ diễn ra vào nửa đêm, rạng sáng ngày 21/10 năm nay. Khoảng 22h30 tối ngày 21/10, chòm sao Orion bắt đầu xuất hiện trọn vẹn trên bầu trời phía Đông và bạn có thể quan sát thấy nó nếu như có góc nhìn thoáng về phía Đông. Mặc dù vậy, thời điểm lý tưởng nhất để bắt đầu quan sát hiện tượng này là sau nửa đêm, tức là rạng sáng ngày 21 và 22/10. Lúc này chòm sao Orion đã mọc đủ cao để có thể dễ dàng xác định nó nếu trời không nhiều mây và nơi bạn quan sát không quá ô nhiễm. Tới khoảng 3h30-4h00 rạng sáng ngày 22/10, chòm sao này sẽ lên cao nhất và sau đó tiếp tục di chuyển về phía tây. Và ở những khu vực lý tưởng nhất, mưa sao băng Orionids có thể đạt từ 30 tới 40 vệt sao băng mỗi giờ.
Trăng mới
Trăng mới là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng ở cùng hướng với Trái Đất so với Mặt Trời. Lúc này, Mặt Trăng sẽ không xuất hiện trên bầu trời đêm. Kỳ trăng mới tới đây sẽ diễn ra vào ngày 25/10. Do không còn bị ảnh hưởng bởi ánh sáng từ Mặt Trăng, đây là thời điểm thích hợp để quan sát một số thiên thể khác trong vũ trụ.
Nhật thực một phần
Nhật thực một phần chính là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất sẽ xuất hiện trong tháng 10.
Nhật thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất nằm tuần tự trên một đường thẳng. Tại một số điểm trên Trái Đất, Mặt Trăng sẽ che bớt một phần hoặc toàn bộ Mặt Trời, gây nên hiện tượng nhật thực.
Vào ngày 25/10 tới đây, Mặt Trăng sẽ che mất một phần Mặt Trời và tạo ra hiện tượng nhật thực một phần. Địa điểm thích hợp nhất để quan sát kỳ nhật thực một phần này là tại Kazakhstan và khu vực phía tây nước Nga. Ngoài ra, khu vực Đông Âu, Bắc Âu, các nước khu vực Baltic, các nước Trung Á… cũng có thể quan sát tốt hiện tượng nhật thực một phần.
Nơi quan sát nhật thực một phần với tỷ lệ che phủ lớn nhất (80%) là tại Nga. Đáng tiếc khi phần lớn các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam sẽ không thể quan sát hiện tượng này.
Nguồn: Tổng hợp