Nhiệt độ mùa hè ở Bắc bán cầu đang chạm ngưỡng kỷ lục, và cơn nắng nóng đang lan rộng ở nhiều quốc gia trong khu vực này, làm cho mùa hè năm nay trở thành một trong những mùa hè nóng nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý, cũng vào thời điểm này, Trái Đất sắp đạt đến điểm xa nhất trên quỹ đạo của nó so với Mặt trời trong năm nay. Đây là một sự kiện hàng năm được gọi là aphelion (hay điểm viễn nhật), thuật ngữ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “apo” (đi xa) và “helios” (Mặt trời), theo Almanac.

Sự kiện này đã đặt ra câu hỏi cho nhiều người: Nếu Trái Đất đang ở khoảng cách xa nhất với Mặt trời, tại sao mùa hè vẫn nóng đến vậy?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu cách mà Trái Đất quay quanh Mặt trời và cách mà hành tinh của chúng ta tự quay quanh trục của nó.

Theo các nhà thiên văn học, khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt trời được đo bằng đơn vị thiên văn gọi là AU, tương đương với khoảng cách xấp xỉ 150 triệu km, theo định nghĩa của Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU). Tuy nhiên, quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt trời có dạng hơi elip, điều này có nghĩa là hàng năm chúng ta sẽ có một ngày gần Mặt trời nhất (điểm cận nhật) và một ngày Trái Đất cách xa nhất với ngôi sao chủ của mình (điểm viễn nhật).

Trong năm 2023, điểm cận nhật đã xảy ra vào ngày 4/1, khi Trái Đất cách Mặt trời 0,98 AU. Theo nhà thiên văn học Fred Espenak, vào ngày 6/7, tại điểm viễn nhật, Trái Đất sẽ cách Mặt trời khoảng 1,01 AU.

diem-vien-nhat-trai-dat-mat-troi-VSGA

Trái đất sắp đạt đến điểm viễn nhật, điểm xa nhất của hành tinh tính từ mặt trời. Ảnh: NASA.

Nhìn lại lịch sử, điểm cận nhật và điểm viễn nhật được nhà thiên văn học Johannes Kepler lưu ý lần đầu vào thế kỷ 17. Ông đã tính toán được rằng các hành tinh di chuyển nhanh nhất khi đạt điểm cận nhật và chậm nhất khi đạt điểm viễn nhật. Điều này làm cho mùa hè ở Bắc bán cầu kéo dài hơn vài ngày so với mùa hè ở Nam bán cầu.

Tuy nhiên, mặc dù khoảng cách giữa điểm cận nhật và điểm viễn nhật có thể là hàng triệu km, nó lại có ít ảnh hưởng đến nhiệt độ trên Trái Đất. Nguyên nhân chính gây ra sự khác biệt về mùa trong năm là do độ nghiêng 23,5 độ của trục quay của Trái Đất. Điều này làm cho Mặt trời chiếu sáng ở các vĩ độ khác nhau với góc độ khác nhau trong suốt cả năm.

Vào tháng 7, Bắc bán cầu nghiêng hướng về phía Mặt trời, nhận được ánh sáng mạnh mẽ của ngôi sao của chúng ta vào mùa hè. Trong khi đó, Nam bán cầu lại nghiêng khỏi Mặt trời, gây ra ngày ngắn hơn và nhiệt độ lạnh hơn ở đó.

Mặc dù điểm viễn nhật diễn ra chỉ vài tuần sau ngày Hạ chí, và điểm cận nhật xảy ra gần ngày Đông chí, nhưng hai sự kiện này không liên quan đến nhau. Thời gian chính xác của chúng được xác định bởi sự thay đổi độ lệch tâm của quỹ đạo Trái Đất, theo timeanddate.com, với khoảng cách thời gian giữa điểm cận nhật và điểm viễn nhật là 58 năm.

Vì vậy, mặc dù Trái Đất đang ở điểm xa nhất so với Mặt trời trong mùa hè năm nay, nhiệt độ cao và cơn nắng nóng kỷ lục được ghi nhận là do các yếu tố khác như độ nghiêng của Trái Đất và vùng ánh sáng mặt trời chiếu vào.

Nguồn: Live Science